Trao quyết định đổi tên cho CLB Bóng đá Thể Công - Viettel, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Văn Nghĩa yêu cầu đội bóng phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính trên mặt trận thể thao.
Tại Lễ Công bố quyết định đổi tên CLB Bóng đá Thể Công - Viettel chiều ngày 21/11/2023, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đã có bài phát biểu về tinh thần Thể Công của người lính trên mặt trận thể thao
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Hôm nay, là một ngày đặc biệt khi chúng ta tổ chức Lễ công bố quyết định đổi tên CLB Bóng đá Viettel thành CLB Bóng đá Thể Công - Viettel.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các đồng chí đại biểu, khách quý, toàn thể các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Ngày 23/9/1954, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã ký quyết định thành lập Đoàn Công tác Thể dục Thể thao Quân đội. Thể Công vốn là tên viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao công tác đội". Hạt nhân đầu tiên của đội Thể Công gồm 23 cán bộ chiến sĩ của Trường Sĩ quan Lục quân I, được chia làm ba đội: Bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền.
Hơn một tháng sau khi thành lập, ngày 25/10/1954, trong trận bóng đá đầu tiên được tổ chức từ ngày giải phóng Thủ đô tại sân vận động Hàng Đẫy, Thể Công đã có trận đấu đầu tiên trong lịch sử gặp đội Trần Hưng Đạo, gồm các cầu thủ xuất thân từ giới lao động Thủ đô. Thể Công chiến thắng với tỷ số 1 - 0 với bàn thắng duy nhất được ghi ngay từ giây thứ 30 do công của trung phong đội trưởng Nguyễn Văn Bưởi. Kể từ đó, Thể Công không ngừng lớn mạnh, trở thành niềm tự hào lớn của thể thao Quân đội, một thương hiệu lớn trong lòng người hâm mộ trong toàn dân và toàn quân.
Từ năm 1955 đến năm 1979, Thể Công luôn là đội bóng mạnh Quốc gia với 13 lần vô địch Giải bóng đá hạng A. Ngoài ra Thể Công còn có rất nhiều trận thắng vẻ vang khắp quốc tế như 2 trận thắng đội Bát Nhất - đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó hay thắng cả đội tuyển Cuba rất mạnh... Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và chính thức có giải vô địch quốc gia, Thể Công vẫn luôn là một trong những đội bóng mạnh nhất Việt Nam với 5 lần vô địch tính tới năm 1998.
Ngày ấy, chính chúng tôi cũng còn rất trẻ, cũng chỉ được nghe tên các cầu thủ Thể Công. Họ là những cầu thủ rất xuất sắc của chúng ta như Nguyễn Thế Anh, Cao Cường, Trọng Giáp, Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng, Trần Văn Khánh... Họ là những cầu thủ chúng ta không được biết mặt nhưng lại rất nhớ tên.
Ngày nay, chúng ta cũng có các cầu thủ luôn là nòng cốt của đội tuyển quốc gia và đóng góp rất nhiều cầu thủ trong lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như thủ môn Trần Tiến Anh, các cầu thủ Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Như Thuần, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền... Đây là những cầu thủ vô cùng xuất sắc.
Kể từ khi được thành lập, đội bóng đá Thể Công luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Không chỉ đạt nhiều thành tích vẻ vang ở trong nước và quốc tế, Thể Công còn trở thành một thương hiệu lớn, góp phần lan tỏa tinh thần rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong toàn quân cũng như trong toàn dân ta. Thể Công đã được người hâm mộ ghi nhận là một “Binh chủng đặc biệt” trong lĩnh vực thể dục thể thao.
Việc đổi tên Thể Công - Viettel đã được ấp ủ từ rất lâu. Năm 2018, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ để đổi tên đội bóng, và đi một hành trình tới nay đã 5 năm. Bởi lẽ bề dày truyền thống của Thể Công là rất lớn, nên đội bóng phải được nâng tầm, phải thật xứng đáng. Và để có ngày hôm nay, chúng ta đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn khi CLB từng mang tên Thể Công - Viettel, rồi phiên hiệu Thể Công bị thu hồi năm 2009.
Gần 15 năm qua, với tên gọi là Câu lạc bộ Bóng đá Viettel, dưới sự đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, đội bóng đã lớn mạnh không ngừng. Và mới đây chúng ta cũng đã đổi tên một câu lạc bộ bóng chuyền từ Thể công thành Thể Công - Tân Cảng. Và rồi đội đã vô địch giải bóng chuyền các nước ASEAN. Tức là phải có doanh nghiệp lớn, đủ vững mạnh thì mới có thể nuôi dưỡng được đội bóng.
Trung tâm Thể thao Viettel là một cơ sở rất tốt. CLB Bóng đá Viettel cũng đã giành rất nhiều danh hiệu, từ các đội trẻ và đội một. Trong lớp cầu thủ trẻ có những cái tên nổi bật như Nguyễn Hoàng Đức, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chiến, Nhâm Mạnh Dũng, Phan Tuấn Tài… Trên khán đài, cổ động viên dù là quân nhân hay không vẫn luôn hô vang thương hiệu Thể Công. Và không thương hiệu nào được như thương hiệu Thể Công, không chỉ có bóng đá, bóng chuyền, mà tất cả môn thể thao khác. Nếu là Quân đội thì sẽ có những tiếng hô vang Thể Công. Đây là thương hiệu của sự tự hào.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xem xét và quyết định trao phiên hiệu Thể Công tới Câu lạc bộ Bóng đá Viettel. Kể từ hôm nay, Câu lạc bộ Bóng đá Viettel sẽ mang một tên gọi mới: Thể Công - Viettel. Đây vừa là vinh dự, sự tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, người hâm mộ giao tới các cán bộ, huấn luyện viên, cầu thủ bóng đá Thể Công - Viettel.
Với tên gọi mới với nhiệm vụ, trách nhiệm lớn lao và nặng nề hơn, tôi đề nghị tập thể cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên CLB Bóng đá Thể Công - Viettel cần quán triệt thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị trong công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu. Tiếp tục phát huy tinh thần Viettel đã và đang luôn là đơn vị tiên phong nhận nhiệm vụ khó của Bộ Quốc phòng và đất nước. Các cán bộ, HLV, vận động viên câu lạc bộ cần nêu cao đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên không ngừng để khẳng định vị thế trong bối cảnh các giải bóng đá quốc gia đang có sự thay đổi, biến động không ngừng.
Hai là, tiếp tục hỏi học, tiếp thu những phương pháp đào tạo, huấn luyện mới, hiệu quả của các nền bóng đá phát triển của châu lục và trên thế giới, để góp phần đào tạo ra những cầu thủ chất lượng và bản lĩnh, giới thiệu thêm thương hiệu Thể Công với bạn bè thế giới. Thể Công - Viettel cần tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị hàng đầu trong việc đóng góp những cầu thủ chủ chốt cho các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.
Ba là, tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần không ngại gian khó mà lớp lớp các thế hệ Câu lạc bộ Thể Công đã dày Công vun đắp qua nhiều năm. Xây dựng mạnh mẽ hơn nữa truyền thống Thể Công, lối chơi Thể Công, tinh thần Thể Công, để đáp ứng niềm mong mỏi của đông đảo người hâm mộ. Đá làm sao phải hiệu quả, thắng phải đẹp, nói không với những hình vi tiêu cực, phi thể thao, vì sự phát triển chung của bóng đá nước nhà. Đây là một nhiệm vụ lớn lao, nhưng không vì thế chúng ta coi đây là gánh nặng. Chúng ta phải luôn tự nhủ rằng, phải thi đấu làm sao để những tiếng hô “Thể Công” trên khán đài mỗi lúc một lớn hơn, tự hào hơn và hứng khởi hơn.
Bốn là, đưa thương hiệu Thể Công - Viettel lên một tầm cao mới. Từ những tiếng vang của quá khứ với xanh dưng Thể Công, Câu lạc bộ Bóng đá Thể Công - Viettel cần tạo ra những giá trị mới, thành tích mới trong các giải đấu Quốc gia, khu vực và quốc tế. Luôn nêu cao tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” trong lớp lớp các thế hệ cầu thủ Thể Công - Viettel hiện nay.
Năm là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất với lãnh đạo các cấp về chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV. Không chỉ bảo đảm thu nhập tốt, câu lạc bộ cần nghiên cứu để bảo đảm cho các HLV, VĐV được yên tâm công tác và phục vụ lâu dài trong Quân đội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, dành nguồn lực hỗ trợ cho Hội cổ động viên Bóng đá Thể Công - Viettel để lan tỏa hơn nữa tình yêu, hình ảnh của bóng đá và thể thao Quân đội trong toàn dân, toàn quân.
Quay lại với Thể Công, chúng ta cần xác định có một chiến lược để phát triển, với kế hoạch rất dài hạn. Với các cầu thủ, chúng ta không chỉ quan tâm đến đào tạo bóng đá mà còn là học tập, văn hoá, tinh thần, ý chí, về trách nhiệm, về bản lĩnh. Bản lĩnh là bản lĩnh của QĐND Việt Nam. Đã là cầu thủ Thể Công, dù ký hợp đồng từ bất cứ đâu cũng cần được giáo dục để có tinh thần đoàn kết tốt, trách nhiệm cao. Đã thể thao thì phải cao thượng. Các đồng chí hãy để nhân dân nhìn vào thương hiệu thể công thì cảm nhận được hết phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ trong thể thao cũng như trong các hoạt động khác.
Với tinh thần đó, tôi đề nghị Cục Quân huấn - Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, các đơn vị có liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất có thể để các cán bộ, HLV, VĐV Câu lạc bộ Bóng đá Thể Công - Viettel hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo niềm tin và tiếng vang không chỉ ở trong nước mà còn khu vực và thế giới.
Thay mặt Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, tôi xin công bố quyết định trao phiên hiệu Thể Công tới Câu lạc bộ Bóng đá Viettel.
Một lần nữa, kính chúc các đồng chí đại biểu, các vị khánh quý và toàn thể các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc.
Chúc Câu lạc bộ Bóng đá Thể Công - Viettel phát huy tốt truyền thống, tạo nên nhiều chiến thắng vẻ vang để đáp ứng niềm sự kỳ vọng của lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; niềm tin yêu của người hâm mộ bóng đá nước nhà.